Vật liệu chịu lửa là một loại vật liệu xây dựng đặc thù, sử dụng ở nhiệt độ cao, dùng để xây các loại lò nung như lò nung gốm sứ, vật liệu chịu lửa (VLCL), xi măng, lò nấu thuỷ tinh, luyện kim, xây dựng các buồng hồi nhiệt, buồng đốt nhiên liệu và các thiết bị làm việc ở nhiệt độ lớn hơn 1000 độ C.
Trên thế giới ngành công nghiệp vật liệu chịu lửa không ngừng phát triển, nó đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của các ngành công nghiệp khác như: công nghiệp xi măng, công nghiệp gốm sứ, công nghiệp thuỷ tinh… đặc biệt là ngành công nghiệp luyện kim, gạch chịu lửa được sử dụng khá lớn. Chính vì vậy những nước có ngành công nghiệp luyện kim phát triển đã tập trung đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp này từ rất sớm.
Trước xu thế hội nhập khu vực và quốc tế hiện nay, tại Việt Nam, trong những năm gần đây, với sự chuyển dịch đầu tư, nhiều dự án của các doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đã và đang phát triển mạnh mẽ; nền công nghiệp của nước ta đã có nhiều bước phát triển đột phá về cả số lượng lẫn chất lượng, như ngành công nghiệp xi măng, luyện kim, hoá chất, vật liệu xây dựng, năng lượng,… Và vật liệu chịu lửa là loại vật liệu không thể thiếu được của các ngành công nghiệp trên.
Hiện nay nhu cầu về số lượng, chất lượng, chủng loại của vật liệu chịu lửa ngày càng phong phú, đa dạng, tuy nhiên, trên thực tế ngành sản xuất vật liệu chịu lửa tại Việt Nam hiện tại vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước; cũng như chưa thể hoà nhập với các nước trong khu vực và trên toàn thế giới.
Nhìn lại hiện trạng của ngành sản xuất vật liệu chịu lửa của Việt Nam còn nhiều tồn tại, hạn chế cần phải nâng tầm và định hướng phát triển đáp để ứng nhu cầu hiện hữu cũng như tiến tới có thể xuất khẩu loại vật liệu này. Có thể nhìn nhận, đánh giá khái quát những hạn chế như sau:
Một là: Số lượng các đơn vị, nhà máy sản xuất vật liệu chịu lửa ở trong nước còn ít, sản lượng thấp, chất lượng chưa cao. Có thể kể đến các đơn vị hàng đầu như: Công ty Cổ phần Vật liệu chịu lửa Thái Nguyên; Công ty Cầu Đuống – Tam Tầng; Công ty Cổ phần Công nghiệp chịu lửa Hưng Đạo,… nhưng sản lượng lớn nhất vẫn là vật liệu chịu lửa cấp trung và cấp thấp. Các loại vật liệu chịu lửa cao cấp (gạch chịu lửa, bê tông chịu lửa,…): số lượng và chất lượng còn hạn chế và hiện vẫn phải nhập khẩu nhiều. Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là do nền kinh tế những năm qua không ổn định, nhu cầu vật liệu chịu lửa thất thường; sản xuất và khó tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, nhu cầu thị trường thất thường: có thời điểm khan hàng khiến các nhà đầu tư phải nhập khẩu hoặc có thời điểm nhu cầu thị trường lớn, tuy nhiên, hàng sản xuất trong nước lại không đạt các yêu cầu về chất lượng nên không đáp ứng được yêu cầu thị trường…
Hai là: Hệ thống thiết bị và công nghệ sản xuất ở nhiều đơn vị sản xuất còn lạc hậu, chưa đồng bộ, hiện đại cho nên khó nâng cao hiệu quả và chất lượng; sản phẩm trong nước vẫn còn bộc lộ nhiều yếu điểm như: chất lượng kém so với sản phẩm nhập ngoại, một số chỉ tiêu kỹ thuật chưa đạt độ ổn định chất lượng sản phẩm; các chủng loại sản phẩm được sản xuất thiếu sự đa dạng.
Ba là: Nguồn nhân lực kể cả chuyên sâu và lực lượng kỹ thuật sản xuất giỏi có kiến thức, kinh nghiệm về chuyên ngành vật liệu chịu lửa không nhiều; tài liệu chuyên môn để đào tạo công nhân trực tiếp làm nghề cũng hạn chế, các nhà sản xuất phải tìm kiếm, hoặc sử dụng các tài liệu nước ngoài.
Bốn là: Nguồn nguyên liệu để sản xuất vật liệu chịu lửa cấp trung và cấp thấp đang rất khan hiếm; đó là còn chưa kể đến các nguyên liệu cấp cao cho sản xuất gạch cao nhôm và cao hơn chúng ta chưa có mà hầu hết phải nhập khẩu và dùng nguyên liệu tái sinh.
Hàng năm chưa có nghiên cứu, đánh giá, tổng hợp khối lượng và chủng loại nguyên liệu chịu lửa của chúng ta như sét chịu lửa tại các vùng như Chí Linh – Hải Dương; Đông Triều – Quảng Ninh trữ lượng còn bao nhiêu hay cao lanh tại Phú Thọ, Yên Bái, Đại Từ, Lâm Đồng; các vừng quặng cao lanh Tấn Mài và những loại khác còn có thể khai thác chế biến phục vụ ngành sản xuất vật liệu chịu lửa như thế nào.
Từ những thực trạng đánh giá trên, để chủ động “Tự vượt qua thử thách, đón đầu xu thế dịch chuyển đầu tư và kinh doanh” trong bối cảnh hội nhập hiện nay; Công ty Cổ phần công nghiệp Chịu lửa Hưng Đạo chúng tôi đã đề một số các giải pháp nhằm khắc phục các hạn chế, đẩy mạnh sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm nhằm đáp ứng các nhu cầu đa dạng của thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu ra thị trường nước ngoài:
Thứ nhất: Coi công tác chất lượng là hàng đầu. Tất cả phải bắt đầu từ con người, con người là trung tâm của mọi sự thay đổi: Đào tạo hệ thống công nhân, cán bộ cả về chuyên môn, trách nhiệm với sản phẩm của mình với ý thức kỷ luật lao động cao. Lấy người Nhật, sản phẩm Nhật làm tiêu chí phấn đấu.
Thứ hai: Không ngừng cải tiến về công nghệ, nâng cao trình độ sản xuất, tập trung đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất từ lò nung đến các thiết bị hiện đại khác, để sản phẩm có chất lượng tốt hơn. Lấy tiêu chí chất lượng khu vực và Châu Âu để hướng tới.
Thứ ba: Vật liệu chịu lửa là loại vật tư kỹ thuật mà tuổi thọ sử dụng thực tế khó định trước. Vì vậy cần thực hiện nhất quán phương châm: cung cấp sản phẩm phải kèm theo dịch vụ kỹ thuật và tư vấn sử dụng cho khách hàng; thực hiện theo mô hình giải pháp trọn gói về vật liệu chịu lửa, bao gồm: Đánh giá – Tư vấn lựa chọn vật liệu và thiết kế – Cung cấp vật tư – Thi công – Bảo trì.
Thứ tư: Phải luôn học hỏi, rút kinh nghiệm cùng các nhà sản xuất khác phát triển. Lấy tiêu chí làm hài lòng khách hàng, các nhà đầu tư để hoàn thiện, nâng tầm của mình; trở thành một địa chỉ tin cậy và quen thuộc của khách hàng khi cần đến vật liệu chịu lửa cho các loại lò công nghiệp, mang lại sự ổn định, hiệu quả và an toàn trong sản xuất.
Thứ năm: Xây dựng văn hóa doanh nghiệp hiện đại, văn minh – Chăm lo tốt đời sống đội ngũ, đóng góp với cộng đồng và xã hội.
vatlieuxaydung.org.vn